Truyền thống hiếu học Cổ_Am

Trong các thư tịch cổ, văn bia, tộc phả để lại thì ngay từ buổi sơ khai, những người về Cổ Am lập làng đã là người có học thức sâu rộng: những người cáo quan về ở ẩn, những thầy đồ bất đắc chí và cả những người có tài nhưng không muốn ra làm quan. Cổ Am vô tình trở thành điểm dừng chân của các hiền nhân, kẻ sĩ giúp nền học vấn ở Cổ Am phát triển nhanh chóng. Người ta dạy học theo kiểu cha truyền con nối mà không phải mất tiền để thuê thầy về nhà dạy học như ở các làng khác.

Theo thống kê của các nhà chép sử địa phương, Cổ Am có tới 28 dòng họ. Trong đó, họ Trần và họ Đào là hai dòng họ lớn nhất đồng thời cũng là hai dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất.

Một số tên tuổi nổi bật của họ Trần bao gồm:

  • Cụ tổ họ Trần: Tiến sĩ Trần Lương Bật, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Thân (1664). Ông làm quan tới chức Hữu thị lang bộ binh.
  • Trần Công Hân, đỗ tiến sĩ năm Quý Sửu (1733) khi mới 32 tuổi. Ông là một trong Tràng An tứ hổ, được coi là một trong những người có học vấn uyên thâm bậc nhất thời bấy giờ. Ông làm tới chức Thị chế viện hàn lâm..
  • Đến những năm đầu thế kỷ 20, hai cây bút lừng danh của đất Cổ Am là văn sĩ Trần Tiêu và nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Dư), cây bút trụ cột của nhóm Tự lực văn đoàn.
  • Thứ trưởng Trần Dương - Bộ Nội thương (Nay là Bộ Thương mại) - Cán bộ lão thành cách mạng, người được nhận Huân Chương Lao động Hạng 1 do Chủ tịch nước ký tặng
  • Phó Giáo sư Trần Trọng Hựu - cố Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội.
  • Giáo sư Trần Bảng, Vụ trưởng vụ nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Trần Lực... và còn nhiều các giáo sư, tiến sĩ tiêu biểu khác cũng được sinh ra tại nơi đây.

Nhưng dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất Cổ Am thời nay là họ Đào. Từ năm 1075 đến năm 1919 cả xã Cổ Am chỉ có 2 Đệ tam đồng tiến sỹ xuất thân và 1 Phó bảng.

  • Đào Trọng Kỳ (cụ nội của nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, Đào Trọng Giao) làm Tổng đốc Hà Nội, Ninh Bình... Hiệp biện đại học sĩ.
  • Giáo sư, tiến sĩ Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam , Nhà giáo Đào Mạnh Thuật, Vụ trưởng vụ đào tạo; TS.Đào An, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Nhà giáo Đào Trọng Côn, nguyên hiệu trưởng Đại học nông nghiệp Huế... và một số giáo sư, tiến sĩ khác đang đảm nhiệm những trọng trách quan trọng khác.
  • Thời phong kiến Cổ Am có 2 tiến sỹ Nho học, 1 Phó bảng, 75 cử nhân, 77 tú tài trong đó có 4 người hàm thứ trưởng, tổng đốc tỉnh, 4 tướng lĩnh, 8 quan chức cục vụ trưởng, 14 tri huyện và còn lại là các trưởng phòng trở lên. Từ sau ngày hòa bình lập lại tới năm 2019, Cổ Am có 22 Viện sỹ, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học và 62 tiến sỹ cùng 136 thạc sỹ ở đủ các ngành nghề từ địa phương tới trung ương và ở cả các nước G20, trong đó gồm 6 người có chức vụ từ Phó chủ tịch tỉnh đến thứ trưởng, 54 chủ tịch huyện hay chức tương đương trở lên, 4 hiệu trưởng các trường đại học – cao đẳng, 4 tướng lĩnh, 12 nhà giáo – thầy thuốc – nghệ sỹ ưu tú trở lên.